3/12/11

BIẾT SỐNG TỐT - BIẾT TẬN HƯỞNG - BIẾT CHIA SẺ


Hôm nay, như thường lệ, tôi lên Yahoo! tin tức đọc báo và ...thật không thể tin được vào mắt mình khi đọc dòng tít "Vĩnh biệt Steve Jobs". buồn quá, muốn chia sẽ một vài cảm nhận góp nhặt. SỐNG THẾ NÀO LÀ SỐNG CÓ Ý NGHĨA

Sống có ý nghĩa là sống có lợi cho bản thân mình, có lợi cho những người gần gũi mình và hơn thế nữa, là có lợi cho những người xa lạ. Muốn như vậy chúng ta cần phải làm gì ?
Nói đến lợi cho mình, có người cho đó là tâm vị kỷ hay vị lợi. Điều này cũng đúng thôi. Vì gần như không có ai nghĩ, nói và làm mà không muốn có lợi cho mình cả, ngay cả những con người gọi là thánh thiện. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng mà những vị ấy quan tâm hơn là họ nghĩ, nói, và làm không những không có hại cho người khác mà phải có lợi cho mọi người. Và làm lợi cho tất cả mọi người trong ấy có chính bản thân mình hay làm lợi cho mọi người chính là làm lợi cho chính bản thân mình. Điều đó được Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định qua câu nói được người Tây Phương diễn tả bằng Anh ngữ như sau:
“If you want others to be happy, practice compassion. If you want to be happy, practice compassion.” (Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi.)
Câu nói của Ngài có thể hiểu như là câu trả lời cho câu hỏi đã nêu ở trên, nghĩa là chúng ta cần phải có lòng từ, tức là tình thương không ích kỷ, không vị lợi, không thiên vị, không thành kiến, không phân biệt màu da chủng tộc, giới tính, tuổi tác, chính kiến, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giàu sang, nghèo hèn, v.v… hay nói cách khác, đó là tình thương trải rộng, đồng đều, bình đẳng, không phân biệt, đối với mọi chúng sanh và phải có lòng bi, tức là lòng thương xót đối với bất kỳ chúng sanh nào đang bị đau khổ cần sự giúp đỡ, an ủi. Và lòng từ bi ấy cần phải được thể hiện bằng hành động và/hoặc bằng lời nói như giúp đỡ tiền tài, vật chất và/hoặc an ủi, khuyên lơn.
Như vậy việc thể hiện lòng từ bi phải thông qua ba yếu tố: Thân, Khẩu, Ý, ba việc làm mà trong đạo Phật gọi là nghiệp (karma) gồm Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Đó là sự tạo tác của thân thể tức là hành động, của miệng lưỡi tức là lời nói, của tình cảm và tư tưởng tức là tâm ý.
Trong chúng ta có những người do bẩm sinh có lòng từ bi và điều ấy ai cũng công nhận, cũng thấy biết qua kinh nghiệm sống của chính chúng ta hoặc qua học hỏi hay hiểu biết nhờ người khác. Có được tâm từ bi như vậy là một điều may mắn cho những người ấy. Nhưng cũng không phải ít những người chẳng những không có lòng từ bi do bẩm sinh mà trái lại có tâm bất thiện, gian ác. Điều này quả thật là bất hạnh cho những người ấy vì họ phải chịu nghiệp báo khổ đau do tâm bất thiện của họ, có thể thấy ngay trước mắt hay nhãn tiền hoặc có thể phải nhận lãnh vào những kiếp sau nếu những ai tin như vậy. Họ là những người rất đáng thương! Và cũng không phải ít những người chẳng những không có tâm từ mà cũng không có tâm ác. Những người này tuy không làm hại ai nhưng họ cũng chẳng thương xót ai cho dù thấy những người khác gặp hoạn nạn, khó khăn, đáng được giúp đỡ, an ủi.
Trong cả ba trường hợp vừa kể, tất cả mọi người, dù đã có tâm từ, dù chưa có tâm từ, ai ai cũng  cần phát triển, xây dựng, rèn luyện lòng từ bi và sửa đổi tâm bất thiện, nếu có. Người bẩm sinh có tâm từ cần duy trì và phát triển hơn nữa, người hung ác cần phải bỏ tâm ác, học hỏi và xây dựng tâm từ, và người chưa có tâm từ cần phải rèn luyện tâm từ. Có như thế hành động và lời nói của họ mới có lợi ích cho chính họ và cho những người khác.
Trong ba thành phần Thân, Khẩu, Ý tạo thành một con người cái nào cũng quan trọng, không có cái nào độc lập, tự có mà phải dựa vào nhau, tùy thuộc vào nhau, dính líu với nhau để con người được hình thành và tồn tại. Sau hết nhưng không kém phần quan trọng là một câu nói có liên quan đến “sống như thế nào mới có ý nghĩa” của Abraham Lincoln tôi xin trích dẫn và tạm dịch dưới đây với hy vọng nó giúp chúng ta hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa -- mang lại lợi ích hay hạnh phúc cho người cũng như cho chính mình:
 “In the end, not the years in your life that count; it’s the life in your years.” (Chung cuộc, không phải những năm bạn sống là đáng kể mà chính là cuộc sống của bạn trong những năm ấy.)
CHÚC BẠN LUÔN VUI VẺ, HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét